(Vanhien.vn) Rất bất ngờ và vui mừng khi tôi nhận được đề nghị lần đầu tiên được cùng lãnh đạo Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam về huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương để tìm hiểu và viết bài về ý tưởng tạo hình cây cảnh nghệ thuật thông qua một tác phẩm cụ thể do bạn đọc giới thiệu.

Trên đường đi, chúng tôi được một bạn đọc thân thiết giới thiệu về cây đa cổ thụ mang hình kỳ thú có tên "Anh hùng tương ngộ" và vị chủ nhân trẻ tuổi đam mê cây cảnh nổi tiếng đất Kinh Môn đã sưu tầm, sở hữu cách đây 14 năm.

Tác phẩm Đa "Anh hùng tương ngộ" thu hút sự quan tâm bạn trẻ từ Tuyên Quang đến chiêm ngưỡng.

Tôi có vinh dự nhiều năm giúp việc, gần gũi cố nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam và cùng hai nhà báo kỳ cựu, từng là phóng viên chiến trường của TTXVN, nay là lãnh đạo Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam, nguyên là quân của cố sếp Đỗ Phượng rất bình tĩnh và trân trọng lắng nghe từng chi tiết thông tin có liên quan đến tác phẩm với cái tên mới nghe đã thấy có cái gì hơi “lạ” mà chúng tôi đã thấy trên tít một số bài báo viết về cây cảnh nghệ thuật.

Quả thật với nhãn quan nghề nghiệp của mình đôi khi chúng tôi cảm thấy một số tác phẩm có tên gọi không ăn nhập gì với ý tưởng, ngôn ngữ tạo hình hay thông điệp tác phẩm. Dường như họ đặt những cái tên như vậy chỉ để gây ấn tượng với người xem cây cảnh thì phải?

Rồi vị bạn đọc tiếp tục giới thiệu với chúng tôi về tác phẩm độc đáo trên đã được một lữ khách đến thăm và đề tặng bốn câu thơ tứ tuyệt:

Thụ mộc sơn lâm chi vờn vũ
Cổ quái thiên nhiên viễn vọng điền 
Dị mộc thiên biến kỳ tam thú
Tranh sức anh hùng thế trượng phu.

 Ban Biên tập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam lưu niệm cùng anh Nguyễn Khiếu (người đứng thứ hai từ phải sang) chủ nhân tác phẩm Cây cảnh nghệ thuật "Anh hùng tương ngộ"và một số khách thăm quan.

Nghe bốn câu thơ trên đã gợi cho chúng tôi bao suy tưởng về tích chuyện "Anh hùng tương ngộ" và triết lý của nó. Theo quan niệm của người phương Đông, Hổ được coi là chúa tể của muôn loài (chúa sơn lâm), là con vật đầy quyền uy là bá chủ trên mặt đất, còn Đại Bàng tượng trưng cho sức mạnh trên bầu trời. Đúng là giang sơn nào anh hùng đó. Anh hùng có dịp gặp nhau cùng trổ tài nên có câu "Không cánh muốn lên lên chẳng được. Có gan thì xuống xuống mà chơi" không ai xâm phạm đất đai địa phân biên cương của ai. Hổ và Đại Bàng là biểu tượng tương ngộ, gặp gỡ của 2 chúa tể cả trời và đất gặp nhau, như thêm sức mạnh như khẳng định sự vững chãi quyền uy...

Như chúng ta đã biết, sáng tạo nghệ thuật nói chung, cây cảnh nghệ thuật nói riêng là tái tạo hiện thực, cuộc sống dưới những hình tượng cụ thể, sinh động. Mỗi hình tượng nghệ thuật, mỗi tác phẩm nghệ thuật, đều khai mở những cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống và con người một cách độc đáo, sáng tạo. Nó mở ra những chiều kích mới về ngôn ngữ hình thức của nghệ thuật, làm cho nghệ thuật mang tính đại chúng phổ cập, có khả năng biểu đạt một cách hiệu quả những tư duy triết lý. Quá trình và nội dung của thụ cảm nghệ thuật phụ thuộc vào giá trị tác phẩm với tư cách là kết tinh những năng lực thẩm mỹ của nghệ sĩ; mặt khác, phụ thuộc vào khả năng khám phá, sự sáng tạo của người tiếp nhận. Mỗi người đọc, người xem đều tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật theo một cách riêng. Chính quá trình này làm cho tác phẩm nghệ thuật trở thành một khối đa diện thẩm mỹ với nhiều tầng, nhiều lớp giá trị, đa tầng biểu xúc.

Tác giả bài viết bên cạnh tác phẩm "Anh hùng tương ngộ".

Muốn đạt được điều đó, thì trước nhất người nghệ nhân, nghệ sĩ trước khi bắt tay vào tạo tác tác phẩm phải tìm ra cho mình một cái "tứ", một ý tưởng ngay từ ban đầu. Ý tưởng ban đầu là kim chỉ Nam cho cả một quá trình tạo tác tác phẩm. Tất nhiên quá trình tạo tác cây cảnh nghệ thuật không chỉ phụ thuộc vào ý nghĩ chủ quan của người tạo tác mà còn phụ thuộc vào yêu cầu ngoại cảnh, đặc điểm sinh thái và quá trình sinh trưởng phát triển của cây cảnh qua năm tháng. Nhiều tác phẩm cây cảnh trong quá trình phát triển đã "biến hóa" tạo ra những đường nét, màu da, kích thước lá ngày một đẹp hơn vượt cả kỳ vọng ban đầu của người tạo tác và cũng không ít tác phẩm lại có kết quả ngược lại.

Trực tiếp được mục sở thị tác phẩm "Anh hùng tương ngộ" của chủ nhân Nguyễn Khiếu ở Kinh Môn, Hải Dương, chúng tôi đồng tình với ý kiến của nhiều người khi cho rằng tác giả đã có nhiều cố gắng đi tìm hình tượng và ý tưởng tạo hình để diễn đạt thông điệp tác phẩm. Phần bệ đá được tạo hình cách điệu thành hình con mồi (ở đây là con lợn rừng), phần thân, bệ rễ cây mang hình tượng con hổ "chúa sơn lâm", phần tán đang được tạo hình thành con đại bàng "chúa tể của bầu trời"... cùng với bể nước tạo thành một thể thống nhất theo tích chuyện "Anh hùng tương ngộ". Tác phẩm đã hội tụ được phần lớn các yếu tố chính trong ngũ hành tương sinh, nhất là phần “mộc thạch tương giao”. Cây Đa trong tác phẩm cây cảnh này theo chủ sở hữu cho biết cách nay khoảng 200 năm, là một loại cây gần gũi với đời sống người Việt có sức sống trường tồn thuộc loại tứ quý: “Sanh, Si, Đa, Đề”. Lối tạo tác cây bám đá mang đặc trưng của cây cảnh, tiểu cảnh truyền thống Việt Nam đã có từ xa xưa. Ngôn ngữ tạo hình và thông điệp tác phẩm khá rõ ràng và phù hợp với tên gọi tác phẩm…

Từ ý tưởng tạo hình nghệ thuật một cây phôi ban đầu đến một tác phẩm hoàn thiện trong tương lai là cả một vấn đề thách thức không chỉ với bàn tay tài hoa, óc tưởng tượng phong phú mà còn cần cả bao sự lao tâm khổ tứ, tâm huyết, tầm nhìn, sự kiên trì bền bỉ và khát vọng hướng tới phải theo đuổi nhiều năm, thậm chí cả đời người. Nhưng những ý tưởng như vậy lại vô cùng cần thiết cho một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật hoàn thiện vươn đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ, đạt được các tiêu chí Cổ - Tinh - Linh - Quái trong tương lai.

Dẫu sao, chúng tôi cũng xin được chúc mừng chủ nhân trẻ Nguyễn Khiếu với niềm đam mê cây cảnh nghệ thuật đến cháy bỏng  đã mạnh dạn tự đi tìm một ý tưởng tạo hình độc đáo để gắn bó theo đuổi, trải nghiệm và tìm ra cho mình những giá trị cuộc sống qua tác phẩm "Anh hùng tương ngộ".
Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Khiếu 
ĐTDĐ : 01227379966 
Kinh Môn - Hải Dương

Nguồn: xem ở đây 

Nhận xét