Học tại vườn nhà Thày Bonsai tốn bao nhiêu tiền?

Mình xin thưa ngay: theo mình nhận xét, chả tốn đồng nào!
Chứ mà tốn tiều kiểu sinh viên vào Đại học như ở bên Mỹ này, thì chắc bà mẹ ông Kimura bán hết tài sản cũng chả đủ tiền trả “học phí”. Ấy là mình đoán Thày dạy sẽ chả lấy tiền, mà Thày thì cũng chả tốn kém gì nhiều ngoài mỗi ngày hai bữa cơm. Mà trò thì ở đó làm việc cây cối cho Thày cả ngày.

Cũng có thể, nếu người ngoại quốc tới nhà vườn Thày Nhật thì cần đóng thêm một khoản tượng trưng nào đó. Có thể mỗi năm khoảng 1 hay 2000 USD là hết cỡ.

Những dự đoán như trên dựa vào 2 chuyện thế này.

Chuyện thứ nhất: học Bonsai tại nhà Thày Nhật tại Mỹ.

Hơn 15 năm trước, mình và một anh bạn có gia nhập vào một hội Bonsai do cụ Harry Hirao sáng lập. Vào được vài tháng, ông Cụ phát hiện ra anh bạn mình có một tài năng mà Cụ ấy rất cần: chụp hình. Thế là, mỗi khi có dịp cần chụp hình bonsai để gửi cho các cuộc thi tại nhiều nơi, kể cả Âu Mỹ và Nhật (Ban Giám Khảo yêu cầu gửi hình cây trước. Được đồng ý rồi, lúc đó mới gởi cây đi), anh bạn mình tới nhà Cụ Harry dàn dựng đồ chụp hình cây sau vườn. Dĩ nhiên, một thợ vịn và thợ góp ý như mình là chuyện nên có! (Chả là nhà mình thì cách nhà cụ Harry cũng chỉ 3 cây số. Mà anh bạn muốn tới nhà cụ Harry thì phải đi ngang nhà mình).

Đó là lý do anh bạn mình và cụ Harry có mối thâm tình. Còn mình thì có cái xe loại đi đồi núi khá tốt, mà lái xe thì thuộc kiểu từ tốn, thế nên cụ Harry thích ngồi xe với mình mỗi lần đi đào cây. Đường đi và về tổng cộng cũng mất 6 tiếng. Bạn cứ tưởng tượng, mỗi năm đi đào vài lần, mà 3,4 năm như vậy (ấy là mình
bận đi làm, ít có giờ rảnh lo cây. Chứ còn cụ Harry thì đi soành soạch. Mình không đi thì có người khác chở cụ). Bao nhiêu giờ ngồi trên xe với nhau, thế nên càng ngày mình càng được ông Cụ kể cho nghe lắm chuyện. Chứ bình thường thì ông Cụ Harry chả nói gì nhiều bao giờ. Mình biết mấy chuyện Thày Thợ bonsai cũng là do Cụ Harry nhiều.

Sau 1 năm trong Hội Bonsai của Cụ Harry, mình vẫn đóng tiền hội mỗi năm (25 USD/năm) để vẫn có tên trong danh sách hội viên. Có vậy mới được đi đào cây. Bởi vì hãng bảo hiểm sẽ trả tiền nhà thương cho hội viên nếu có tai nạn xảy ra khi đi đào cây. Thế là chỉ đi đào cây và thỉnh thoảng tới vườn nhà Cụ Harry chơi
chứ chả họp hội gì nữa. Nhờ vậy mình mới biết là có khoảng 20 người mỗi tháng đóng 35 USD cho Cụ Harry để tới nhà Cụ học Bonsai. Mà Cụ thì yếu, ít nói nên học trò thì mang cây mình tới ngồi cắt tỉa, quấn dây. Cụ Harry thì thỉnh thoảng ghé lại sửa giúp (chứ không giảng giải tại sao. Mình đã nói là Cụ rất ít nói!).

Tóm lại, mình nghĩ là học trò bên Nhật mà lại nhà Thày thì chả tốn tiền là bao. Vấn đề chính yếu là Thày có thâu nhận hay không?

Chuyện thứ hai: Sang Nhật học bonsai.

Đây là một chi tiết nhỏ, mình thấy xuất hiện trên tờ tạp chí Bonsai Focus số 103, kỳ 2 năm 2010, trong bài phỏng vấn anh bạn người Đức gốc Việt tên Michael Tran.

Trong câu nhà báo phỏng vấn:

– Bạn đã mắc lỗi lầm nào tệ hại nhất?

Michael Tran trả lời:
– Tôi để lỡ cơ hội sang Nhật du học.
Tôi mà may mắn nhận học bổng là đã có thể tới Nhật. Lúc đó, ông Fischer đã dành cho tôi một chỗ học tại nhà một Thày Bonsai. Chẳng may, tôi nộp đơn trễ, học bổng loại này thì phải 2 năm nữa mới có trở lại.
Mà 2 năm nữa thì tôi đã học xong Đại học rồi.

Qua câu trả lời của anh bạn trẻ Michael Tran, chúng ta có thể suy đoán: việc học chữ bên Nhật rất tốn kém nên cần có học bổng mới đi học nổi . (Cô con gái mình sang Nhật học chơi chơi có 3 tháng thôi mà cả nhà è cổ ra phụ tiền cho cháu nó có chỗ ăn ngủ đàng hoàng. Còn tiền học và vé máy bay thì nhà nước Mỹ cho vay!).
Thế nhưng sang học chữ mà mỗi tuần xin vào nhà vườn Thày Bonsai “học ké” suốt 2 năm cũng vẫn được.

Như vậy chắc là mấy Thày ấy chả lấy bao nhiêu tiền nhỉ?

Hình như mục đích kiếm tiền đã không được xem trọng?

Kể cả chuyện mua bán bonsai cũng có nhưng không mấy được xem trọng. Nhà vườn bán cây phôi thì không kể, còn những bậc thày, họ có bán cây nhưng qua trung gian, chứ không bao giờ chủ động rao bán cây của họ như ở Việt Nam vẫn gọi với cái tên mĩ miều: giao lưu hoặc gả cưới.

Chắc chắn sẽ rất nhiều bạn bĩu môi và bảo: Hão! không kiếm tiền thì học làm gì? Chơi bonsai, học bonsai, làm bonsai và uống nước lã để sống à?

Điều mà nhiều bạn nghĩ như trên hết sức đúng, rất thực tế cho chúng ta đang sống tại Việt Nam. Thế nhưng, người Nhật, họ có nhiều chuyện khá là khác chúng ta. Bởi vậy, họ đã làm ra lắm chuyện mà cho tới nay, có thể rất nhiều người không hiểu :”Tại sao họ chỉ là mỗi ngày hai nắm cơm, uống nước lã cầm hơi mà vẫn cứ là hết sức tỉ mỉ làm ra được những chuyện không thu lấy được “đồng bạc nào” mà chỉ là món quà dâng cho ….” (chuyện dâng cho ai? mình sẽ nói sau, để các bạn suy nghĩ cho vui).

Vậy thì rốt lại, một người Nhật đi học để thành Thày Bonsai, nếu không phải mục tiêu làm giàu, thì là gì?

Người Nhật học bonsai để làm gì?

Người Nhật vốn có truyền thống thần phục Nhật Hoàng vô điều kiện. Sau khi thua trong đại chiến thế giới lần thứ 2, nhờ dân không loạn, Nhật Hoàng đã đưa ra được nhiều đường hướng xuất sắc để đưa quốc gia mình trở lại an bình thịnh vượng. Mình chỉ cò nhớ loáng thoáng được vài chuyện nổi bật:

  • -chuyển đổi hệ thống chính trị, giao quyền “kinh bang tế thế” cho một vị Thủ Tướng do dân bầu.
  • -kêu gọi dân Nhật xóa bỏ hiềm thù với mọi dân tộc thế giới.
  • -kêu gọi mọi người dân Nhật góp tay vực dậy nền kinh tế (một điều đặc sắc là các công ty cho người đi tận hang cùng ngõ hẻm để bán cổ phiếu công ty. Dù là 1 yên vẫn mua được 1 cổ phiếu.
    Có nghĩa là người dân đặt niềm tin vào các công ty một cách triệt để theo lệnh Nhật Hoàng. Nhờ được mọi người góp tay, kinh tế Nhật vực dậy rất nhanh).
  • -Dân chúng Nhật cần thay đổi cách nghĩ: làm cho người nước khác trên thế giới nể phục vì nét đặc sắc của Văn hóa dân tộc chứ không phải bằng đường gươm mũi súng. Bởi vậy, mọi phương cách giúp truyền bá văn hóa cho những người lính Mỹ đang đóng tại Nhật, hoặc đưa sản phẩm văn hóa ra nước ngoài đều được trân trọng, cổ vũ và chính phủ Nhật góp tay giúp, trao Huy chương tán thưởng công sức của mọi công dân, nhóm hội.

Thế là Bonsai được xếp vào: một trong những nét văn hóa đặc thù của dân tộc Nhật. (Chúng ta thấy người Nhật họ tài là ở chỗ ấy. Lấy của người, biến đổi thành của mình. mà cả thế giới bây giờ cứ nói đến Bonsai là nghĩ đến Nhật bổn.)

Mục đích trở thành một người Thày bonsai chuyên nghiệp là để có có cơ hội lớn hơn phục vụ cho Nhật Hoàng, phục vụ cho nước Nhật, phục vụ cho dân tộc Nhật bằng con đường văn hóa. Bởi vì từ năm 1960 Nhật Hoàng đã ra chỉ thị : truyền bá văn hóa Nhật bản đến toàn thế giới thì tốt đẹp gấp ngàn lần hơn cách dùng gươm đao súng đạn (cho nên nước Nhật đã thua sau cuộc chiến 1939-1945). Cũng từ năm đó, Bonsai đã được chuyển hướng trực thuộc bộ Văn Hóa Giáo Dục chứ không còn thuộc bộ Nông Nghiệp nữa.
Đáp lại huấn lệnh của Nhật Hoàng, một mặt Bonsai được đưa vào bộ Văn hóa giáo dục để nằm trong những hạng mục cần được phát triển ra thế giới; một mặt dân chúng phát triển việc gây trồng bonsai dưới dạng công nghiệp (nhưng những tác phẩm bonsai chính tông vẫn do những nhà vườn từng truyền nhiều đời nắm giữ). phát triển nhóm hội, quy tụ ngày một đông đảo số lượng Bonsai dự thi trong cuộc Triển lãm quốc gia (không kể mỗi tỉnh đều có một vài lần triển lãm mỗi năm) cốt sao thu hút đông đảo du khách nước ngoài, lập hội quy tụ những bậc Thày Bonsai chuyên nghiệp có nhiệm vụ “hướng dẫn ” đại chúng về Bonsai (những Bậc Thày chuyên nghiệp phải qua nhiều kỳ học về nhiều mặt. Họ sẽ được chính phủ ủy quyền cho Hội chuyên Nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề).

Thế là dân Nhật đã bước vào giai đoạn : phổ biến văn hóa Nhật đến mọi nơi trên Thế giới, trong đó, bonsai là món được chú ý nhất.

Là một người Việt, bạn muốn gì khi chơi bonsai?

Nếu chúng ta là một người có tuổi, nhân việc chơi Bonsai là một thú chơi cá nhân, mà dùng thêm được nó cho việc giáo dục và truyền bá tư tưởng văn hóa Việt Nam tới người nước ngoài, thì đó là điều nên làm.
Dù có trễ, cũng vẫn nên làm hơn là chả làm gì cả.
Việt Nam chúng ta vốn yếu kém về khoa học kỹ thuật do nhiều lý do. Vậy thì chả trông mong gì chuyện phát minh tàu ngầm, máy bay so với các nước. Còn thì tự hào với truyền thống Dân Tộc chỉ còn ở 4000 năm Văn hiến.
Thế nhưng những hiểu biết về nền văn minh, văn hóa của chúng ta có vẻ như mờ nhạt trong lòng những bạn trẻ hết rồi. Ngay như Dịch Lý, lý thuyết Âm Dương, Ngũ hành, Trà Đạo vốn là của người Việt. Thế mà người Tàu lấy xài, phát huy đủ kiểu, đến độ bây giờ có mấy người Việt Nam không nghĩ rằng Dịch Lý là của Tàu?
Ấy cũng bởi chả còn dịp học tiếng Hán nên ngôn từ Hán Việt không thông. Thế là những chuyện ông bà chúng ta ngày xưa ghi lại, con cháu chả ai hiểu.
Một số sai lầm trong chiến tranh gây mất mát lớn về nhiều mặt. Bây giờ mà không lo gom góp vực lại
thì quả là rồi ra sẽ chả còn gì. Thế rồi, Tây hóa, Mỹ hóa và cả Nhật hóa hồi nào không biết? Tất cả được
gọi là: cho hợp văn minh nhân loại!

Người Mỹ có một chuyện mà mình rất quý: họ trân trọng nét văn hóa riêng của từng dân tộc sống cùng nhau trên đất Mỹ. Họ hãnh diện với ý niệm “Melting Pot” (cái nồi thập cẩm).

Thế nên, người Ả rập ờ Mỹ cứ là trùm khăn kín mặt. Rất hay!
Người Đại hàn ở Mỹ trong giao dịch vẫn là cúi rạp khi chào hỏi. Rất đáng trân trọng.
Người Nhật với Bonsai, Kimono, Anh Đào… vẫn hằng ngày hiện lên trong mắt người Mỹ.
Còn người Việt ? Cố gắng duy nhất còn chút nét văn hóa là chiếc áo dài với cái nón lá.
Thế mà cũng quả là hiếm hoi để có dịp gặp.

Trở về Bonsai.

Khi mình nói chuyện chơi bonsai để phục vụ Tổ Quốc, vợ mình bĩu môi: “Ở đâu không biết, ở cái chế độ này phục vụ làm gì.”. Mình hơi chững, nhưng sau kiếm cách bật: “Chế độ này đâu có đại diện cho lịch sử 4000 năm văn hiến của nước Việt ta?”

Chúng ta có phải đang cố chơi Bonsai sao cho “giống” của người Nhật thì mới có hồn?
Quả là có hồn thật, nhưng đấy là diễn đạt cái thần trong nét văn hóa người Nhật!
Một bonsai có hồn, có thần do các bạn làm. Người ngắm hết sức ngưỡng mộ tác phẩm.
Và kết luận cuối cùng sâu thẳm nhất của người xem là gì (giả sử một người nước ngoài)?
Có phải người ấy nghĩ:
“Té ra Bonsai Nhật Bản đã tới tận hang cùng ngõ hẻm Việt Nam rồi đây!”

Là một người Việt, bạn có thích thế chăng?

Tới đây chắc bạn đọc sốt ruột lắm rồi. Thôi bây giờ ông muốn tôi chơi bonsai kiểu gì thì ông nói nhanh cái. Nhưng chơi cây cần nhẫn nại, chịu khó đọc cũng là chuyện hay vậy mà!

Trong chủ đề của bác Vũ Hưng chưa đề cập tới chuyện Việt Nam nên chơi kiểu gì. Còn với vốn hiểu biết ít ỏi của Thiện, Thiện liên tưởng tới câu của một ông anh tên Chung bên trà đạo: “Nếu nghiên cứu kỹ thì Trà Việt còn phức tạp hơn nhiều Trà Tàu hay Trà Nhật. Nhưng người Việt vốn xuê xoa, gia chủ chỉ tùy trình độ thưởng trà của khách mà áp dụng quy tắc của trà đạo.”

Quay lại chuyện cây, người Nhật có bonsai, người Tàu có Penjing, người Việt mình có thể có gì? Hi vọng nhờ bạn (người đang đọc bài này), sau này nước ngoài sẽ nhắc tới CÂY CẢNH như một phong cách làm cây phóng khoáng nhưng hàm ý sâu xa. Và có lẽ, nghệ nhân Trần Thắng đang là một điểm sáng, mở đường cho cây cảnh Việt.

 

Bonsai thuộc bộ môn nào trong đời sống Âu Mỹ

Dẫu rằng đến nay, rất nhiều sách vở, nghệ sĩ Bonsai Âu Mỹ đã đưa ra nhiều nhận xét trên bài giảng, trên sách báo, trên định nghĩa ở Internet để minh chứng cho bàn dân thiên hạ: Bonsai là một bộ môn Nghệ thuật (Nghệ thuật Thị giác / Visual Art, Nghệ thật điêu khắc sống/ Living Sculpture…).
Thế như trong thực tế, nếu chúng ta vào tiệm sách bên Âu Mỹ mà tới khu “Sách Mỹ thuật” (Art) thì chớ có bao giờ thấy một quyển sách nào dính dáng đến Bonsai. Sách Bonsai nó nằm ở khu “làm vườn” (Garden). Nghĩa là người Âu Mỹ vẫn coi Bonsai chỉ là một thú chơi cho vui đời, một thứ hơi đặc biệt của “nghề làm vườn”. Tức là cứ trồng cái cây xanh tốt trong cái chậu nhỏ là đạt. Chuyền hồn hay thần gì đó là do mỗi cá nhân sáng tạo, tự hưởng.

Bởi vì chỉ là một thú chơi cho một số lượng người nhỏ bé, Bonsai ở Âu Mỹ nó chả là gì cả. Nó chả giúp nước nhà phồn thịnh hơn, cũng chả giúp quốc gia nổi tiếng hơn, bởi vì nó là của văn hóa Nhật bản chứ chả ăn nhậu gì đến văn hóa Âu Mỹ. Cho nên, một dúm nhỏ người chơi Bonsai xưng tụng nó là Nghệ thuật thì cứ việc, nhưng trong đời sống thực tế thì Bonsai không hề có chỗ đứng trên “bục các bộ môn nghệ thuật của nhân loại” (như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, kiến trúc….)

Theo: Lê Đức Thiện - bonsaininhbinh.com

Nhận xét