Chủng loại cây dùng để làm theo phong cách tự nhiên Một câu hỏi “nhức nhối” đối với những người tiên phong chơi phong cách tự nhiên ở Việt Nam: “Cây chơi phong cách tự nhiên có cần mô phỏng một cây cùng chủng loại trong tự nhiên? Nếu có thì cây mai chiếu thủy ngoài tự nhiên toàn cây dạng bụi, chẳng có cây cổ thụ, ta biết mô phỏng thế nào đây?” Điều này có lẽ xuất phát từ bài viết của ông Walter Pall trong phần 2, không biết vô tình hay hữu ý ông ấy dùng cây thông Scot để mô phỏng một cây thông Scot thật. Thế là bà con Việt Nam ta suy luận: cây thông Scot dáng nó vốn thanh mảnh, nên PHẢI dùng nó để mô phỏng một cây thông Scot thật ngoài tự nhiên, mô phỏng cây thông đen là hỏng. Thật ra không cần nghiêm túc đến như vậy. Ví dụ ngắm nhìn một cây khác cũng của Walter Pall, bạn thấy nó đẹp không? Vậy bạn có biết nó là cây gì không? Đa phần sẽ bảo nó đẹp dù chả biết nó là cây gì sất. Thực ra đó là một cây thích (maple) nhưng nhìn nó mình dễ dàng liên tưởng tới một cây sanh cổ thụ với bệ rễ vững vàng, tán lá xum xuê, vậy là mình thấy nó đẹp thôi. 

Việc tìm hiểu giống loài và đặc điểm sinh lý của cây để tạo hình sao cho cây đẹp và sống khỏe là việc của chúng ta, chứ đừng đẩy trách nhiệm đó cho người thưởng ngoạn.

Ví dụ: Ta có thể dùng một cây mai chiếu thủy để mô phỏng một cây sấu bên hồ Gươm, không sao cả bởi chúng đều là cây lá rộng có cách phát triển cành nhánh tương tự nhau.

Ta không nên dùng một cây sanh để làm theo dáng cây thông, bởi chúng có cách phát triển cành nhánh hoàn toàn khác nhau.

Khác biệt về cách mọc cành giữ cây lá kim và lá bản

Tóm lại, xin hãy bỏ ngay quan niệm cây nào thì phải làm theo dáng của cây đó trong tự nhiên. Đừng bắt người xem phải học hết 100 giống loài cây rồi mới được bình luận cây của bạn. Hãy tự vắt óc mà chắt lọc vẻ đẹp của 100 cây trong tự nhiên để đưa vào tác phẩm của bạn, để rồi khi ngắm cây người thưởng ngoạn liên tưởng tới một cây đại thụ “nào đó” trong tiềm thức của họ, thế là bạn thành công.

Những niêm luật trong phong cách tự nhiên

Ai mới học bonsai mà chẳng sưu tầm cho mình một ít quy tắc, niêm luật. Phong cách tự nhiên không hề bác bỏ những nguyên tắc đó. Nhưng truyền thống của người Nhật là “thầy bảo sao, trò cứ thế mà làm, miễn hỏi” nên những cây của họ tuân thủ nguyên tắc một cách tuyệt đối. Kết quả là cây bài có thể được làm rất kỳ công, nhưng có rất ít sự sáng tạo trong đó, do nó bị “kìm kẹp” bởi những nguyên tắc.

Cây làm theo phong cách tự nhiên chỉ tuân theo một nguyên tắc duy nhất, đó là uốn éo cắt tỉa như thế đã phù hợp với đặc tính sinh lý của cây chưa. Mỗi cây có một cách phát cành khác nhau, có cách mọc lá ngóc lên hay rũ xuống khác nhau, bạn uốn khác đi nó bỏ cành là hỏng.

Để minh chứng cho việc cần am hiểu sinh lý của cây thì mới làm cây đẹp được thì mình xin kể sơ lược quá trình làm cây liễu rũ (Salix babylonica) mất 18 năm ròng của anh Simon Temblett. Chả là cây liễu rũ phát triển như vũ bão khi trồng ngoài đất, nhưng cứ đánh lên chậu là nó ì ra không lớn. Suốt từ năm 1989 tới 2005, tác giả thử đủ cách từ ngâm cây vào chậu nước, uốn cành bằng dây kẽm, thay đất trồng Akadama, bón phân đúng cách v.v nhưng cây vẫn bị chết phần ngọn cành. Cuối cùng, tác giả áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt (xin xem thêm các phương pháp tưới nước tự động, có thể bạn sẽ tìm thấy cái gì đó phù hợp với bạn) và treo vật nặng và ngọn cành sao cho cành vẫn có thể đung đưa theo gió thì cây phát rất mạnh. 

Cây liễu rũ của Simon Temblett

Tuy vậy không phải rằng phong cách tự nhiên là một thể loại dễ ăn, “cứ làm thế đi không sao đâu”. Những cây theo phong cách tự nhiên mang trong nó những nguyên tắc tiềm ẩn rất chặt chẽ. Chỉ cần một cọng cỏ mọc ngược hướng là mất dáng gió đùa, chỉ vài chiếc lá to quá khổ là cũng mất vẻ tự nhiên ngay.

Làm cây mà không nhìn ngắm thiên nhiên để học hỏi, chỉ căn cứ vào mấy quy tắc cơ bản uốn cành cong qua cong lại thì cũng giống như thầy bói xem voi mà thôi. Bạn xem, mấy ông nổi tiếng như Robert Steven hay Walter Pall họ đi du lịch rất nhiều, chụp hình rất nhiều.

Cách để cảm nhận là hãy quên hết mớ lý thuyết đi, tự mình đứng dưới gốc cây và nhìn ngắm nó, bạn sẽ tự khám phá ra những điều lý thú. (Nếu không có điều kiện thì ngắm cây qua ảnh cũng được, nhưng cảm xúc sẽ bị giảm đi rất nhiều)

Để lấy thí dụ cho dễ hiểu về cách cảm nhận “từ trái tim tới trái tim”, không qua một mớ lý thuyết hay giải thích nhức đầu, chú Vũ Hưng lấy thí dụ về âm nhạc với nguyên văn như sau: Mình thấy cũng chả cần phải đi học nhạc cực khổ 5, 7 năm, giá có ai đó hướng dẫn chỉ cho mình trong 10 phút là mình đã có thể cảm nhận được phần nào bài nhạc. Chứ còn dựa vào lời nhạc (do ai đó sáng tác ghép thêm vào thì chỉ tổ làm hư đi ý nghĩa thực của dòng nhạc.

Bạn có thấy từ những nốt nhạc rời rạc đầu tiên đưa bạn liên tưởng đến những tiếng tí tách củ từng giọt sương đêm đọng trên lá rơi xuống đất. Từng giọt từng giọt nhỏ nhoi đó tạo thành những dòng nước nhỏ xíu ngấm nhẹ vào đất. Rồi thì dòng nhạc nhanh dần, mạnh dần, đưa bạn đến hình ảnh những khe nước róc rách. Chúng hiền hoà nhỏ nhẻ và gộp lại thành những con suối mạnh mẽ hơn và dòng thác tuôn trào. Hàng trăm con suối tụ thành sông Danube. Dòng sông có lúc cuồn cuộn sóng nước, có lúc lững lờ trôi. Để rồi cả dòng sông tuôn trào ra biển với những biến tấu dồn dập như sức đối chọi nước biển nước sông và cuối cùng là một hòa hợp êm đềm.

Từ thí dụ trên, mình muốn thưa với các bạn thế này: Có lẽ chúng ta thực sự không lý giải được thế nào là một phong cách tự nhiên cho cây bonsai chúng ta đang ngắm. Nhưng việc đầu tiên là: hãy cảm nhận cái cây đã, ngắm nó, hiểu được nó, rồi phụ thêm trình độ thực hiện của tác giả, các bạn sẽ thấy cây có phong cách tự nhiên như thế nào. (Chứ nếu dễ dàng lý giải, ông Walter Pall đã chả phải mất 10 năm thuyết phục). Trước đây mình có dự định viết 1 bài về cách làm cây phong cách tự nhiên ở Việt Nam, nhưng suy đi tính lại thấy quá khó so với khả năng nên để nghiên cứu thêm vài năm nữa cho trình độ cao hơn rồi viết! Chỉ có 2 điều rất đúng với bản thân mà mình muốn chia sẻ với bạn:

Làm cây nào thì tốt nhất là đến tận nơi mà ngắm cây đó, bạn sẽ có những cảm xúc mà “không bút nào tả xiết” giống như nghe nhạc vậy.

Những cây dễ tạo cảm xúc cho người xem là những cây thân thuộc trên chính đất nước ta như cây sấu ven hồ Gươm, cây đa ở công viên Thủ Lệ, cây Chò ngàn năm v.v

Còn cây thông Scot tuy nó cũng đẹp đấy nhưng không tạo cảm giác thân quen với người Việt mình.

Thế mục đích cuối cùng cần đạt đến là gì? Có 3 chuyện cần làm:

Khiến cho người xem liên tưởng tới một cây có thực ngoài thiên nhiên.

Xóa mọi dấu vết tác động của con người.

Bố trí tất cả mọi chi tiết sao cho thật hợp lý.

Làm 3 chuyện này thế nào mình sẽ cố gắng tổng hợp lại trong phần 4.

Theo:https://bonsaininhbinh.com

Nhận xét