Mơ ước của người chơi kiểng Bonsai là có được một cây cổ thụ hay một cây có vẻ rất già – đó là kết quả chăm sóc của nhiều thế hệ.

Tuy nhiên dáng dấp của một cây Bonsai già cây cỗi không phải luôn luôn là kết quả của tuổi tác thật

Có những kỹ thuật và xảo thuật đơn giản để làm cho cây Bonsai có vẻ già hơn : lợi dụng một khuyết tật về cấu trúc của Bonsai hay một nhánh chết, hoặc một phần thân bị chết.

Đỉnh chết (Jin)

Jin có nghĩa là đỉnh, ngọn cây, nhánh cây bị chết.

Đôi khi muốn giảm hạ chiều cao của Bonsai hay chiều dài của nhánh, thay vì cắt bỏ, người ta có thể tạo cho toàn bộ hoặc một phần của thân, của nhánh có phần gỗ chết và bị mòn láng vì thời gian, tạo ấn tượng già nua, dãi dầu mưa nắng, phong ba, tuyết giá…bằng cách:

– Lột vỏ cây bằng một lưỡi đục hình máng hay dùng một lưỡi dao bén;

– Sau đó đánh giấy nhám mịn cho gỗ trở nên láng;

– Có thể dùng lửa ( đèn cầy ,quẹt ga) nung phần gỗ để uốn nắn theo ý muốn. Lấy cọ quét acid citric hoặc sulfur canxi  pha loãng trên mặt gỗ nhưng tránh không để acid thấm quá nhiều vào gỗ sẽ làm cho Bonsai chết. Xử lý với acid citric, gỗ sẽ nhanh chóng biến sang màu trắng làm tăng vẻ già cỗi của cây.

Kỹ thuật lột vỏ rất phù hợp với các loài Tùng Bách.

Có thể áp dụng cho ngọn cây Bonsai để tạo dáng cây rất già đã bị gãy ngọn hoặc chết ngọn.

Nếu phải bỏ một nhánh lớn, tránh chừa một thẹo không  đẹp  bằng cách tạo cho nó một dáng tự nhiên hơn bằng cách cắt chừa gần thân cây chừng vài cm, rồi chuốt nhọn bằng đũa và giấy nhám phần gỗ chừa lại đó để tạo Jin.

Kỹ thuật Bonsai – Lê Công Kiệt – Nguyễn Thiện Tịch

Nhận xét