Rễ thông vốn không hề có lông hút dinh dưỡng, nó lấy được dinh dưỡng nhiều hay ít là nhờ nấm cộng sinh (mycorrhizae) sống ở trên rễ cây thông. Chỉ có rễ non là còn hút được tí nước, chứ rễ già chúng hoàn toàn “bất lực”, chả làm ăn được gì.

Bạn nhìn hình bên dưới, những sợi trăng trắng đó chính là nấm. Đừng tưởng rằng cây bị nấm mốc mà mua thuốc trị nấm về phun là hỏng nhé. Cũng có khi đất trồng bị nấm có hại thật. Cách phân biệt đơn giản là nhìn vào đất trồng. Nếu đất trồng bí & ẩm ướt quá mà có nấm trắng, cộng thêm cây èo uột thì đó là nấm có hại. Bạn chỉ cần ngưng tưới nước, đục lỗ thoát nước, xắn bỏ đất quanh thành chậu cho gốc cao lên là những nấm này sẽ chết. Còn nếu đất trồng của bạn khô thoáng & cây phát mạnh thì xin chúc mừng, đừng nghĩ tới chuyện diệt nấm làm gì.



Làm sao để trong đất có nấm cộng sinh với thông đen?

Nấm cộng sinh vốn phát triển trong lòng đất, nhưng khi nấm đủ già và gặp điều kiện thích hợp nó sẽ nảy một cái hoa nấm trên mặt đất. Khi hoa nấm già, nó phóng hàng tỷ bào tử nấm ra ngoài không khí. Nếu gặp được cây chủ của nó (ở đây là cây thông đen) nó sẽ cắm mấy cái rễ hờ và đó để bám. Gặp trời mưa hay lá rụng, nấm lại chui vào đất, bám vào rễ thông và tiếp tục chu kỳ sống mới. Vậy bạn cũng đoán ra cách lấy giống nấm thông rồi đúng không? Sau mùa mưa bào tử nấm sẽ phát tán rất nhiều (mọc lên như nấm sau mưa mà). Bạn chỉ cần hái chút lá thông tươi, hoặc đào ít đất quanh gốc thông, hoặc hái mấy hoa nấm quanh gốc thông đem về nhúi vào cạnh chậu, khả năng có nấm sẽ rất cao.

Đối với thông đen áp dụng kỹ thuật trồng trong rổ như ở loạt bài hướng dẫn này, cần chuẩn bị nấm trong đất trồng trước 3 tháng. Cách làm là hái chút lá thông tươi (vì có nhựa để cây nấm sống tạm) và cả hoa nấm càng tốt, đem về bẻ hoa nấm ra và nhúi lá thông + hoa nấm vào đáy rổ, tưới tắm bình thường. Khi nào trồng thông con vào rổ thì sẵn nấm đấy rồi, cây thông con chỉ việc lấy ra dùng thôi.

Đây chỉ là hình minh họa cho đẹp, bạn không nhất thiết phải chọn loại nấm có hình như trên để hái bởi có cả ngàn loài nấm. Chỉ cần hái nấm quanh gốc thông là được rồi. Mà thông gì cũng được hết chứ không cứ gì thông đen Nhật Bản.

Thế tại sao lại nên nhúi lá thông vào cạnh chậu? Bởi thứ nhất là ta nhử rễ ra xa khỏi gốc, tránh việc rễ xiên chồng chéo lên nhau quanh gốc cây. Hai nữa là cạnh chậu ấm và thoáng hơn nên nấm dễ phát.

5 điều kiện để nấm phát triển mạnh

a. Thật nhiều dưỡng khí. Điều này có thể giải quyết bằng phương pháp trồng cây trong rổ (sẽ nói chi tiết ở phần sau) và dùng chất trồng hợp lý.

b. Ấm (10 tới 30 độ C). Để giải quyết vấn đề cây quá nóng, chỉ cần đừng đặt chậu xuống nền đất là đủ, nhất là sân/mái nhà làm bằng xi măng. Nên đặt cây cao hơn mặt đất ít nhất 1m cho khỏi bị hắt nóng và càng tốt hơn nữa nếu bạn kê chậu trên 1 miếng gỗ. Còn việc lạnh thì ở Việt Nam quá lắm cũng chỉ xuống 0oC, vẫn trong ngưỡng chịu đựng được của nấm. Nếu cẩn thận bạn có thể trùm bao bố trên mặt chậu và rải một ít than củi hoặc phân giun lên bề mặt chậu để giữ ấm. Nhưng thiết nghĩ việc này không cần thiết, cứ kệ cho cây quen với khí hậu hay hơn.

c. Tối. Điều này tất nhiên luôn thỏa mãn vì nấm mọc trong đất mà. Nhưng nếu thay đất trồng mà bạn lôi cả cây ra khỏi chậu thì nấm sẽ chết ngay trong vòng 30s.

d. Nghèo chất dinh dưỡng. Điều này được thỏa mãn bằng việc sử dụng chất trồng hợp lý.

e. Môi trường hơi chua. Bạn có thể hòa 1 viên Aspirine (thuốc giảm đau chiết suất từ cây liễu) vào nước tưới để tăng độ chua và cũng là thuốc kích thích ra rễ nữa. Tuy nhiên có lẽ chỉ cần tưới loại nước thích hợp là đủ. Cách tưới nước và cách tạo nước tưới cũng sẽ được viết ở phần sau trong loạt bài này, cũng đơn giản thôi.

Theo http://bonsaininhbinh.com - tác giả Vũ Hưng

Nhận xét