Quấn dây
Ưu điểm: Nhanh gọn, ngày nay hầu như ai cũng dùng phương pháp này để uốn các cành vừa và nhỏ.
Nhược điểm:
- Không uốn được cành to do lực đàn hồi của cành to rất lớn.
- Nếu quên tháo dây quấn kịp thời dây sẽ lằn vào vỏ cây rất xấu và cây có thể chết.
- Đối với những vùng nắng gắt như miền Bắc, dây quấn có thể dẫn nhiệt mạnh làm cháy vỏ cây.
Níu dây
Phương pháp này tức là người ta bẻ cành tới vị trí mong muốn rồi dùng dây giữ lại. Một thời gian sau, cành sẽ cố định tại vị trí mới.
Ưu điểm: Rẻ tiền, độ cong nhìn khá tự nhiên, không bị lằn dây vào vỏ nếu dùng các loại dây mềm.
Nhược điểm: chỉ có thể bẻ 1 lần duy nhất tới vị trí mong muốn, do đó dễ gãy cành.
Xoắn dây
Gần giống phương pháp níu dây, tuy nhiên phải dùng dây kim loại và xoắn dần dần cho dây ngắn lại và kéo cành tới vị trí mong muốn.
Ưu điểm: Kéo cành từ từ nên khó gãy.
Nhược điểm: Phương pháp này buộc phải dùng dây kim loại và lực kéo rất mạnh cho nên dây có thể hằn vào vỏ cây, bất chấp việc ta đã lót cao su vào giữa dây và cành.
Cắt một nửa bề ngang cành
Ta dùng cưa và dao gọt hình chữ V trên bề ngang cành như hình vẽ làm cành yếu đi rồi uốn. Về bản chất phương pháp này cũng giống như là ghép một cành mới vào cây.
Ưu điểm: Có thể sử dụng với bất kỳ cành lớn cỡ nào.
Nhược điểm:
- Để lại sẹo xấu.
- Cực kỳ bá đạo, cành có thể chết bất đắc kỳ tử. Phương pháp này chỉ có thể áp dụng với cây khỏe và dễ liền sẹo như sanh si, đa.
- Yêu cầu trình độ kỹ thuật cao mới có thể xử lý vết cắt được mịn, tiếp giáp tốt.
Sử dụng cảo uốn
Ưu điểm: lực kéo rất mạnh, có thể tạo được những nét gập rất đột ngột.
Nhược điểm: chắc chắn sẽ làm chết vỏ cây ở điểm tỳ, bất chấp bạn có lót cao su hay không. Vì thế chỉ nên dùng cảo cho cành Jin.
Cảo càng cua dùng để tăng lực uốn, nếu uốn bằng tay sẽ không tạo được nét gập mạnh như dùng cảo.
Cảo tỳ có tác dụng giống như bẻ cành bằng tay, nhưng lực lớn hơn và có thể bẻ cành từ từ.
Cảo kéo và cảo đẩy dùng để tách 2 cành ra xa nhau hoặc kéo lại gần nhau. Nếu 1 cảo không đủ dài có thể ghép 2 cảo lại với nhau như hình dưới.
Nẹp cành cây vào thanh kim loại
Đầu tiên, ta quấn dây mềm xung quanh cành để bảo vệ vỏ cây, sau đó nẹp cành vào một thanh kim loại đã định dáng trước.
Nhược điểm: Không có tác dụng với cành lớn, tốn công làm nẹp!
Loại bỏ thớ gỗ bên trong cành
Thực ra phần lõi gỗ không có khả năng vận chuyển dinh dưỡng, nó chỉ giúp cây cứng cáp. Ta có thể đục phần lõi này đi cho cành mềm ra rồi uốn.
Nhược điểm: chỉ có thể áp dụng với cây gỗ cứng và cành khoét lõi rồi vẫn đẹp! Cây gỗ mềm dùng phương pháp này sẽ gây mục, gãy cành, nấm bệnh xâm nhập.
Khoét rãnh đặt dây nhôm
Phương pháp này dùng đục khoét một rãnh trên cành, đặt dây nhôm vào, quấn dây cọ để cố định dây nhôm và bảo vệ vỏ cây, sau đó áp dụng các phương pháp uốn bên trên.
Mình xem video trên Youtube thường thấy các nghệ nhân làm Tùng, Thông họ áp dụng cách này.
Dùng kìm bổ
Dùng kìm chuyên dụng bổ cành ra làm 2 hoặc 4 rồi uốn. Các nghệ nhân Việt thường dùng phương pháp này để làm Tùng, Thông.
Buộc vật nặng vào cành cây
Nhìn chung đây là phương pháp không tốt vì cành cứ bị rung liên tục và thiếu thẩm mỹ. Tuy nhiên, đây là cách duy nhất mà anh Simon Temblett đã áp dụng thành công với cây Liễu rũ (cây này của anh đã được đưa lên trang bìa Tạp chí Bonsai Focus năm 2012).
Cách này có lẽ rất hợp với dạng cây rủ xuống, bởi tạo được nét cong tự nhiên đặc trưng.
Khía cành
Dùng dao khía nhiều đường phía trên và dưới cành như hình dưới đây sẽ tránh khỏi việc cành bị gãy. Sau đó dùng băng dính đen quấn bên ngoài để các vết khía ép sát vào nhau và uốn. Sau này các vết khía sẽ liền lại.
Bạn có thể thắc mắc khía thì khác gì cành gãy? Thật ra là có khác chứ, vì vết khía chủ động có mặt cắt mịn hơn là bị gãy, do đó sau này sẽ liền lại.
Ưu điểm: phù hợp với việc uốn những cây lá bản có độ giòn cao như mai chiếu thủy kim giòn.
Nhược điểm: Sẹo xấu, chỗ uốn dễ bị phù nếu quấn băng keo không đủ chặt.
Một vài phương pháp uốn khác
Bổ sung thêm một số phương pháp sáng tạo, ít tốn kém trong sách của thầy Thái Văn Thiện.
Những lưu ý quan trọng khi uốn cây
-Không bao giờ uốn cây đang ra lá non.
-Nên quấn dây cọ (dây cao su non, băng dính thợ điện) để bảo vệ lớp vỏ cây và tránh nước vào làm mục gỗ. Như bạn vẫn biết, vỏ cây là nét đẹp quan trọng của một cây bonsai. Nếu lớp vỏ cây nứt nẻ, mỏng manh đó mà mất đi là cây bạn giảm giá đó!
-Nên “khóa” cành trước khi uốn, để cành không bị toác. Khi bổ tùng cũng nên khóa 2 đầu chỗ bổ để cành không bị toạc quá.
Theo: https://bonsaininhbinh.com
Nhận xét